CÁI CƯỜI CỦA PHƯƠNG TÂY VỀ TRUNG QUỐC[1]

                                                               Nguyễn Hồng Hà & Nguyễn Nhị Hà

 

về trang chủ

“Những ai có thể đoán đúng những gì sẽ xảy ra ở Trung Quốc sau đây 20 năm thì người đó, qua tấm ảnh ngày chịu lễ thánh của bé Lô-ren, cũng có thể biết được hậu vận của em bé đó” (D,575)[2]

Phương Tây cười về Trung Quốc như thế nào? Qua những nhận xét châm biếm và những mẩu chuyển gây cười đã in trong sách báo, chúng ta sẽ thấy những khía cạnh khác nhau mà họ cười, học giễu cái xã hội này. Đó là tình trạng lạc hậu, u mê của người dân Trung Quốc (C,580), là những ông lang băm dốt nát (C,1506), là cung cách buôn bán của anh cán bộ tranh thủ thực hiện một dịch vụ mỗi khi được đi công tác ở đâu đó (C,318), là tính cách keo bẩn (C,574), là lối sinh đẻ vô tội vạ (C,579) của người dân Trung Quốc… Nhưng trước hết, đó là những đặc điểm mâu thuẫn, đầy tính hài hước của xã hội Trung Quốc nghẹt thở, là những tính cách giả dối, dốt nát, tráo trở và thô bạo của những người lãnh đạo Trung Quốc hiện nay, là sự lộn nhào của thời kỳ “cách mạng văn hóa” với những tiểu tướng hồng vệ binh.

Đặc điểm và tính cách trên đây được thể hiện ở ngay chính cách cười của những người lãnh đạo Trung Quốc, những cái cười gượng gạo, giả tạo. G.En-gô-di đã viết “Cái nụ cười thường trực của Hoa Quốc Phong là cái nhếch mép, là cái nụ cười ruồi” (A,199).

Phương Tây có nhiều nhận xét châm biếm và xây dựng nhiều chuyện cười, nhiều giai thoại đặc sắc về Trung Quốc và nhân vật Mao. J. Vét-xít đã lấy giai thoại “Vì sao Trung Quốc không tiêu diệt được đế quốc Mỹ” để phân tích trong 8 trang một khía cạnh của cơ cấu gây cười (E,123-131)

ù

Để gây cười, người ta chỉ nêu hiên tượng, nhưng thông qua nội dung, qua cơ sở lô-gích và nhất là qua cơ cấu ngôn ngữ thể hiện hiện ra cái ý sâu xa mà câu chuyện muốn nói lên. Cách dựng chuyện thường mang tính chất trí tuệ, để người đọc, người nghe tự rút ra kết luận châm biếm và bật lên tiếng cười khoái trá.

“Trong các khách sạn Trung Quốc, phòng nào cũng có một ti-vi, nhưng cái ti-vi ấy nó nhìn bạn” (B,84). Cái ti-vi nhìn bạn, ti-vi quan sát bạn, thế nghĩa là có một cái ống kính theo dõi bạn, và bạn bị mất tự do. Có hàng loạt ngạn ngữ và chuyện châm biếm chung quanh chủ đề Trung Quốc không có tự do. Xin dẫn 3 ví dụ : Phương Tây có câu “ở Pháp mọi thứ đều được tự do thực hiện kể cả những gì đã bị cấm. Ở Trung Quốc mọi thứ đều bị cấm , kể cả những điều đương nhiên phải được tự do” (B,70). Để châm biếm, mỉa mai khẩu hiệu “Đại phóng phê bình”, cần “phê bình từ trên xuống và phê bình từ dưới lên”, người ta tạo ra câu chuyện người cha giải thích cho con khái niệm đó thông qua một hành động cụ thể, bố đứng trên ban công đổ xô nước xuống đầu con đang đứng phía dưới và cười “phê bình từ trên xuống như thế đấy. Bây giờ con đứng dưới té nước lên ban công cho ướt người bố đi, con phê bình từ dưới lên đi!” (D,573). Thế là ở Trung Quốc không ai dám ăn nói gì cả, thế mới có chuyện “Một nha sĩ phương Tây sang Trung Quốc làm ăn, suýt bị chết đói. Về nước anh ta giải thích với mọi người rằng tuy Trung Quốc có một tỷ người, nhưng anh ta vẫn thất nghiệp vì ở đó có ai dám mở mồm, hé răng ra đâu!” (B,78).

Chủ đề về “dã tâm xâm nhập, bành trướng và thôn tính các nước khác” của Trung Quốc cũng được thể hiện trong hàng loạt chuyện cười:

“Vợ một nhà ngoại giao ở Bắc Kinh hỏi chồng:

- Mình muốn chúng ta có mấy con?

- Ba

- Sao lại ba?

- Em không nhớ rằng trên thế giới này, như người ta đã lưu ý, cứ 4 đứa trẻ thì có một đứa Trung Quốc. Anh chỉ muốn có 3 con vì không muốn đứa con thứ tư là thằng Trung Quốc!” (C,578),  (B,68).

Tất nhiên, không khỏi có những chuyện mang nhiều đích khác nhau:

“Ngày ấy, thủ tướng Liên Xô sang thăm Mỹ. Ních-xơn khoe là có một máy tính điện tử cực kỳ hoàn hảo, có thể tính được mọi chuyện trên đời.

- Đây nhé, tôi hỏi nó : “Sau 50 năm nữa, nước Mỹ sẽ ra sao?”

Câu trả lời của máy rất chi tiết về mọi mặt làm cho thủ tướng Liên Xô rất thích thú. Ông bèn hỏi:

- Thế 50 năm nữa Liên Xô sẽ ra sao?

Mấy phút sau, khi đọc câu trả lời, thủ tướng Liên Xô cực kỳ sửng sốt và rơi nước mắt.

- Thưa ngài sao vậy?

- Nó trả lời toàn bằng chữ Trung Quốc” (B,81).

Bành trướng và chiến tranh. Mạng người bị rẻ rúng. Các trang sử Trung Quốc đã cho thấy điều này. Sau khi chiến thắng Hit-le và Nhật hoàng, phương Tây có một ngạn ngữ về phương pháp giành thắng lợi của các nước phe đồng minh: “Người Anh để chiến thắng, người Pháp chạy để chiến thắng, người Nga đánh để chiến thắng còn người Trung Quốc chết để chiến thắng”. Với Trung Quốc, điều này được khái quát thành “chiến thuật biển người”. Và phương Tây cười:

“Ngày ấy, Trung Quốc gây chiến với Liên Xô.

Tuần lễ đầu, Liên Xô bắt được triệu rưỡi tù binh Trung Quốc.

Tuần lễ thứ hai, bắt được 7 triệu.

Tuần lễ thứ ba, bắt được 20 triệu. Lúc đó Đặng Tiểu Bình đánh điện yêu cầu Liên Xô phải đầu hàng.

Tuần lễ thứ tư, Liên Xô bắt được 50 triệu tù binh.

Đặng bèn gửi tối hậu thư: “Tại sao các anh chưa hàng vô điều kiện ngay đi? Chúng tôi đã chiếm được một phần tư nước các anh rồi đó!” (D,354, (C,572).

Một hệ quả tất yếu của đường lối bành trướng và chiến tranh là dân chúng điêu linh, đời sống cơ cực:

“Hai người bạn gặp nhau ở Thiên An Môn:

- Thế nào, đời sống dạo này khá chứ?

- Tất nhiên, khá hơn năm tới rất nhiều”. (D,574).

Người ta cũng châm biếm đường lối “thắt lưng buộc bụng” của Trung Quốc: “Khi một máy bay Pháp gần tới Bắc Kinh, phát thanh viên nói: “Quý khách chú ý, sắp tới sân bay Bắc Kinh nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, yêu cầu quý khách thắt lưng (buộc bụng) lại cho chặt nhé!”. Ngay lúc đó một thanh niên, hẳn là hồng vệ binh, liền cảnh cáo phát thanh viên: Yêu cầu cô không được nói theo kiểu chủ nghĩa xét lại!” (C,1922).

Tất nhiên không ai tin vào những lời hứa hão, mị dân, đầy tính cách lừa bịp của Đặng Tiểu Bình về kế hoạch “bốn hiện đại”. Rồi người ta châm biếm:

“Đặng nói: Đất nước chúng ta, tới 1985 thì:

Cứ 10 người dân sẽ có một ô tô

Cứ 5 người dân sẽ có một ti vi

Cứ 3 người dân sẽ có một máy khâu.

Và cứ 2 người dân sẽ có một…. cái quần!” (D,371).

ù

Có một số lượng đáng kể giễu vào tệ sùng bái cá nhân, tính cách đổi trắng thay đen của những người lãnh đạo Trung Nam Hải. Những chuyện này khá đa dạng và tập trung vào Mao:

- Thành tích nổi bật trong cách mạng văn hóa là gì?

- Là diệt được nhiều chuột!

- ???

- Vì người ta đã nuôi hàng triệu con vật biết kêu “Meo-miu-miao-Mao! Mao!” (B,71), (C,526).

Lại một câu đố khác:

- Đố biết vì sao trong khi cả thế giới thích ti vi màu thì các nhà lãnh đạo Trung Quốc lại phản đối?

- ???

- Họ chỉ thích ti vi đen trắng vì họ luôn luôn muốn biến đen thành trắng và biến trắng thành đen” (B,1032)

Hơn thế nữa, các nhà lãnh đạo Trung Quốc luôn luôn bóp méo và xuyên tạc lịch sử một cách trắng trợn. Chính vì thế mà có giai thoại “Vì sao Mác tìm ra chủ nghĩa cộng sản?”

“Mao Trạch Đông gọi một nhà tạc tượng tới:

- Chúng ta cần dựng một tượng Các Mác khổng lồ ở quảng trường Thiên An Môn.

- Thưa Mao Chủ tịch ý kiến này thật sáng suốt (nhà tạc tượng thầm nghĩ: kỳ lạ thật, sao hôm nay Mao Chủ tịch lại nghĩ tới dựng tượng người khác?). Thưa Mao Chủ tịch vĩ đại, chủ đề bức tượng là gì ạ?

- Chủ đề là: “Mác tìm ra chủ nghĩa cộng sản vì đã đọc… Mao tuyển!” (B,74).

 

 



[1] Bài đăng trên báo Độc Lập, cơ quan trung ương Đảng Dân chủ Việt Nam, số 17 (1431) ngày 22.8.1984, tr.15

[2]  Ký hiệu D, 575 là: D là ký hiệu tài liệu trích dẫn, còn 575 là số trang hoặc số mục truyện.

Tài liệu trích dẫn

(A) G. Elogozy: Về tính huy-mua (De l’humour)

Nxb Denoel, Paris 1979

(B) M. và A. Guillois: Tự do, bình đẳng và cười phá lên (Liberté, égalité et hilarité) Nxb. Fayard, Paris, 1972.

(C) H. Nègres. Từ điển các chuyện khôi hài (Dictionnaire des histoires drôles) Nxb. Fayard, Paris, 1978.

(D) Bách khoa toàn thư quốc tế về cái cười (Encyclopédie Internationale du Rire) Nxb. Mengès Paris, 1979.

(E) J.Vessis Cái hài cái cười và cái huy-mua (Le comique, le rire et l’humour). Nxb Lettres du monde, Paris, 1978.